Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Tìm hiểu về phẩm vị chức sắc trong đạo Cao đài

 
Tìm hiểu về phẩm vị chức sắc trong đạo Cao đài 9 ( Nguồn : Ban Tôn giáo Chính Phủ)
         Chức sắc là người có phẩm vị, chức vụ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành đạo sự theo tôn chỉ, mục đích đã đề ra của tổ chức tôn giáo. Chức sắc còn đại diện cho quần chúng tín đồ chịu trách nhiệm về hoạt động của đạo đối với xã hội. Nghiên cứu một tôn giáo trước tiên phải tìm hiểu về hệ thống tổ chức, trong đó có phẩm vị chức sắc tôn giáo.
              Tôn giáo Cao đài ra đời ở Việt Nam có hệ thống tổ chức Giáo hội khá chặt chẽ, phẩm vị chức sắc đa dạng gồm chức sắc lưỡng đài (Cửu Trùng đài, Hiệp Thiên đài), lưỡng phái (nam, nữ), chức sắc Phước thiện.
 Trước đây, phẩm vị chức sắc đạo Cao đài do Đức Cao đài thiên phong bằng cơ bút hoặc do Hội thánh công cử. Chức sắc đạo Cao đài có nhiệm vụ truyền bá chơn lý đạo, dìu dắt nhơn sanh và nêu gương đạo đức cho nhơn sanh noi theo. Chức sắc phải thực hiện trường trai tuyệt dục để râu tóc, có tâm sáng và hành đạo cứu độ nhơn sanh.
 
Đạo Cao đài ban đầu là một Giáo hội thống nhất sau đó chia rẽ thành nhiều phái khác nhau có lúc lên đến trên 30 chi phái. Mỗi phái Cao đài lại xây dựng hệ thống tổ chức khác nhau, dẫn đến việc chênh lệch về phẩm vị, trình độ. Nhưng nhìn chung, các Hội thánh Cao đài vẫn duy trì hệ thống tổ chức và phẩm vị chức sắc theo Tân luật, Pháp Chánh truyền.
 
Giai đoạn đầu từ 1926 đến 1930 là quá trình hình thành và xây dựng hệ thống tổ chức, kiện toàn phẩm vị chức sắc của đạo Cao đài. Ngày 23/4/1926 (tức 13/3/Bính Dần), Đức Cao đài thiên phong ông Ngô Minh Chiêu làm Giáo tông.
 
Ngày 26/4/1926 (tức 15/3/Bính Dần), tại nhà ông Lê Văn Trung, Đức Cao đài thiên phong cho 7 vị chức sắc gồm: Lê Văn Trung thánh danh Thượng Trung Nhật phẩm Thượng Đầu sư; Lê Văn Lịch thánh danh Ngọc Lịch Thanh phẩm Ngọc Đầu sư; Phạm Công Tắc phẩm Hộ pháp, Hộ giá Tiên Đồng Tá cơ; Cao Quỳnh Cư, Tá cơ Tiên hạc Đạo sỹ; Trương Hữu Đức và Nguyễn Trung Hậu phẩm Tiên đạo Phò cơ Đạo sỹ; Vương Quan Kỳ phẩm Giáo sư, Tiên sắc Lang quân Nhậm thuyết đạo; Đoàn Văn Bản, Tiên đạo Công thần Thuyết đạo sử.
 
Ngày 1/7 năm Bính Dần, lễ thiên phong chức sắc được tổ chức tại nhà ông Lê Văn Trung cùng một số người được ân ban thiên phong là ông Nguyễn Ngọc Tương, ông Nguyễn Ngọc Thơ, ông Ngô Văn Kim...
 
Ngày 7/10/1926 (tức 1/9/Bính Dần), 28 vị chức sắc thiên phong đứng tên vào Tờ khai tịch đạo gửi chính quyền Pháp xin thành lập tôn giáo Cao đài ở Việt Nam. Các vị chức sắc này đại diện cho 247 tín đồ, có công đầu trong việc khai đạo Cao đài về sau họ đều trở thành những chức sắc cao cấp.
 
          Ngày 10/9 năm Bính Dần, Đức Cao đài tiếp tục thiên phong cho ông Trần Văn Thụ phẩm Ngọc Chưởng pháp, Thiên sắc Nho tông Chưởng giáo Tuyến đạo Thuyền sư Đại đức Đại hoà Đạo sỹ; ông Nguyễn Văn Tương phẩm Thượng Chưởng pháp, Thiên sắc Thuyết pháp Đạo sư Chưởng quản Oai linh Đạo sỹ.
 
          Đến ngày khai đạo 15/10 năm Bính Dần (tức ngày 19/11/1926), đạo Cao đài đã có hệ thống tổ chức và phẩm vị chức sắc Cửu Trùng đài gồm 46 vị: 3 vị Chưởng pháp; 3 vị Đầu sư; 3 vị Chánh Phối sư; 1 vị Phối sư; 23 vị Giáo sư; 11 Giáo hữu, 2 nữ Giáo sư. Chức sắc Hiệp Thiên đài gồm có 15 vị: 01 vị Hộ pháp; 1 vị Thượng phẩm; 01 vị Thượng sanh; 12 Tiên đạo Phò cơ Đạo sỹ.
 
           Như vậy, tính đến ngày khai minh Đại đạo số lượng chức sắc lãnh đạo cao cấp của Giáo hội cơ bản đầy đủ. Phẩm Giáo tông còn thiếu do ông Ngô Minh Chiêu không nhận vì ông chủ trương tu hành "vô vi" cơ tuyển độ, theo bí pháp chân truyền của Đức Cao đài "Nội giáo tâm truyền".
 
Theo Tân luật, Pháp Chánh truyền của đạo thì hệ thống tổ chức và phẩm vị chức sắc đạo Cao đài gồm có:
 
Chức sắc Cửu Trùng đài gồm:
Nam phái: được chia theo cửu phẩm tương ứng với cửu phẩm thần tiên ở cõi thiêng liêng.
 
Giáo tông                      tương ứng với Thiên Tiên
 
Chưởng pháp                tương ứng với Nhơn Tiên            Tiên
 
Đầu sư                         tương ứng với Địa Tiên       
              
Phối sư                        tương ứng với Thiên Thánh
 
Giáo sư                        tương ứng với Nhơn Thánh         Thánh
 
Giáo hữu                       tương ứng với Địa Thánh
 
Lễ sanh                         tương ứng với Thiên Thần
 
Chức việc                      tương ứng với Nhơn Thần           Thần
 
Tín đồ                            tương ứng với Địa Thần
 
+ Giáo tông là chức sắc cao nhất trong đạo, có nhiệm vụ thay mặt Đức Chí Tôn để bảo vệ duy trì chân lý đạo Cao đài, có quyền về phần hữu hình (phần xác) không có quyền về phần hồn.
 
+ Chưởng pháp gồm có 3 vị (Thái - Ngọc - Thượng) có quyền xem xét luật lệ trước khi thi hành, Chưởng pháp là người thay mặt Hiệp Thiên đài nơi Cửu Trùng đài.
 
+ Đầu sư gồm 3 vị (Thái - Thượng - Ngọc) là người có quyền lập luật song phải dâng cho Giáo tông phê chuẩn cai trị phần đời và phần đạo của tín đồ.
 
+ Phối sư mỗi phái (Thái - Thượng - Ngọc) có 12 người, cộng lại là 36 người, trong đó có 3 vị Chánh Phối sư. Chánh Phối sư được phép thay quyền cho Đầu sư, song không có quyền cầu phá luật lệ. Phối sư là người lãnh quyền của Chánh Phối sư ban cho, công việc đều tuân lệnh theo Chánh Phối sư.
 
+ Giáo sư có 72 vị, mỗi phái (Thái - Thượng - Ngọc) là 24 người, có nhiệm vụ dạy dỗ nhơn sanh trong đường đạo và đường đời.
 
+ Giáo hữu có 3000 vị, mỗi phái (Thái - Thượng - Ngọc) gồm 1.000 người, có nhiệm vụ phổ thông chơn đạo.
 
+ Lễ sanh không phải hàng chức sắc (không hạn định số lượng) là những người có đức hạnh, được đi khai đàn cho mỗi tín đồ.
 
+ Chức việc là những người giúp Lễ sanh và Đầu họ đạo trong các công việc đạo sự, bao gồm Chánh Trị sự, Phó Trị sự và Thông sự.
 
           + Tín đồ là người nhập môn theo đạo, gồm 2 bậc. Hạ thừa thực hiện chay giới từ 6 đến 10 ngày trong tháng, giữ Ngũ giới cấm, Tứ đại điều quy và tuân theo Thế luật của đạo. Thượng thừa là người giữ trường trai, phế thân hành đạo, tu luyện tại các cơ sở đạo.
 
         Chức sắc Nữ phái:
 
Không có 2 phẩm Giáo tông và Chưởng pháp như nam phái mà chỉ có từ phẩm Đầu sư trở xuống. Chức sắc nữ phái không chia ba phái Thái - Thượng - Ngọc mà chỉ có một vị Đầu sư và Chánh Phối sư, các phẩm còn lại bằng 1/3 nam phái. Ngoài các phẩm được ghi trong Pháp Chánh truyền, nữ phái còn có một phẩm nữa là Giáo nhi có nhiệm vụ dạy dỗ các nữ Đồng nhi.
 
 Chức sắc Hiệp Thiên đài:
 
          + Hộ pháp là người đứng đầu cơ quan Hiệp Thiên đài có nhiệm vụ giữ gìn luật pháp đạo, có quyền xét xử và ban thưởng chức sắc, tín đồ. Hộ pháp là Chưởng quản Hiệp Thiên đài kiêm Chưởng quản chi Pháp.
 
          + Thượng phẩm là người thay mặt Hộ pháp chưởng quản chi Đạo có nhiệm vụ cai quản các thánh thất, thuyên bổ, kiểm soát việc tu hành và làm luật sư cho chức sắc và tín đồ.
 
          + Thượng sanh lo về phần đời là người thay mặt Hộ pháp chưởng quản chi Thế có nhiệm vụ kiểm soát nhân phẩm cung cách hành đạo của chức sắc, và dìu dắt, độ rỗi nhơn sanh vào đạo...
 
          + Thập nhị thời quân: gồm 12 vị thời quân phụ tá cho Hộ pháp, Thượng phẩm, Thượng sanh, chia thành 3 chi: Pháp - Đạo - Thế.
 
          - Chi Pháp:
 
           + Bảo pháp làm nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ luật đạo.
 
           + Hiến pháp làm nhiệm vụ tìm kiếm phương pháp và truyền bá tư tưởng về luật đạo.
 
           + Khai pháp làm nhiệm vụ nghiên cứu và hướng dẫn nhơn sanh thực hiện tốt luật đạo.
 
           + Tiếp pháp làm nhiệm vụ tiếp nhận luật đạo và cho ban hành luật đạo.
 
          - Chi Đạo:
 
           + Bảo đạo làm nhiệm vụ giám sát việc chấp hành giáo luật của chức sắc, tín đồ.
 
           + Hiến đạo làm nhiệm vụ tìm kiếm và truyền bá tư tưởng để giúp nhơn sanh chấp hành đúng luật đạo .
 
           + Khai đạo làm nhiệm vụ nghiên cứu và hướng dẫn nhơn sanh thực hiện luật pháp Nhà nước theo giáo luật.
 
           + Tiếp đạo làm nhiệm vụ giúp các đạo hữu giảm bớt khó khăn, bất công trong đạo.
 
         - Chi Thế:
 
           + Bảo thế làm nhiệm vụ giám sát việc chấp hành luật pháp của chức sắc, tín đồ.
 
           + Hiến thế làm nhiệm vụ tìm kiếm và truyền bá tư tưởng để giúp nhơn sanh chấp hành đúng pháp luật Nhà nước.
 
           + Khai thế làm nhiệm vụ nghiên cứu và hướng dẫn nhơn sanh thực hiện luật đạo theo pháp luật.
 
           + Tiếp thế làm nhiệm vụ giúp nhơn sanh giảm bớt khó khăn, bất công trong cuộc sống.
 
           + Thập nhị Bảo quân làm phụ tá cho 12 vị Thập nhị Thời quân:
 
           Bảo huyền Linh quân                  chuyên về                      Thần linh học
 
           Bảo Tinh quân                           chuyên về                      Thiên văn học
 
           Bảo Cơ quân                             chuyên về                      Luật pháp
 
           Bảo văn Pháp quân                    chuyên về                      Nghệ thuật
 
           Bảo Học quân                            chuyên về                      Giáo dục
 
           Bảo y quân                                chuyên về                      Y học
 
           Bảo vật quân                             chuyên về                      Vạn vật và kỹ nghệ
 
           Bảo sỹ quân                             chuyên về                      Văn chương
 
           Bảo sanh quân                          chuyên về                      Xã hội
 
           Bảo nông quân                          chuyên về                      Nông nghiệp
 
           Bảo công quân                          chuyên về                      Công chánh
 
           Bảo thương quân                      chuyên về                      Kinh tế
 
          + Tiếp dẫn đạo nhân là người có nhiệm vụ truyền bá chơn đạo cho nhơn sanh.
 
          + Chưởng ấn người làm chủ một phiên toà đạo.
 
          + Cải trạng có nhiệm vụ biện hộ và bào chữa cho bị can mắc luật đạo.
 
          + Giám đạo là người kiểm soát, thanh tra luật pháp đạo.
 
          + Thừa sử có nhiệm vụ bảo vệ luật pháp đạo và hoà giải các vụ kiện cáo trong đạo.
 
          + Truyền trạng là người chuyển giao các đơn từ, cáo trạng.
 
          + Sĩ tải là người lưu trữ văn thư, công văn của đạo.
 
          + Luật sự (phẩm thấp nhất trong Hiệp Thiên đài) là người còn phải học tập về giáo lý và luật đạo.  
Có thể nói, đạo Cao đài có hệ thống phẩm vị chức sắc đa dạng, được tổ chức tương đối chặt chẽ và đóng vai trò quan trọng trong bộ máy hành chính đạo. Mỗi chức sắc được quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm rõ ràng. Hoạt động của chức sắc có sự giám sát lẫn nhau giữa chức sắc Cửu Trùng đài và chức sắc Hiệp Thiên đài, đảm bảo dân chủ trong điều hành và hoạt động. Hiện nay, đa số các Hội thánh Cao đài đều chưa đủ phẩm vị chức sắc hành đạo theo Tân luật, Pháp Chánh truyền.
Minh Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét