Kinh Pháp Hoa với lời thệ nguyện "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ"
Theo
tinh thần của Đại Thừa Giáo thì lấy Bồ Tát Hạnh làm cao điểm, mà thuyết
minh về Bồ Tát hạnh thì Kinh Pháp Hoa là Kinh tiêu biểu, là Kinh đúc
kết nói lên bản hoài cao tột của Đức Phật trong sự ra đời và thuyết giáo
của Ngài trong suốt 45 năm ở cõi Ta Bà.
Kinh
Pháp Hoa diễn tả một chân lý sinh động qua các hạnh của các vị Bồ Tát.
Đức Phật nhìn tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Và vì tất cả chúng
sanh có Phật tánh cho nên tất cả việc làm thiện của chúng sanh dù là một
việc thiện rất nhỏ cũng đưa đến sự giải thoát thành Phật, như trong
phẩm Phương Tiện có câu: "Nhược nhơn tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu
trung, nhất xưng Nam Mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo" (Nếu có người tâm
tán loạn, đi vào trong tháp miếu Phật, xưng một tiếng Nam Mô Phật, đều
được thành Phật đạo). Hoặc: "Nãi chí đồng tử hý, tụ sa vi Phật tháp,
giai dĩ thành Phật đạo (Cho đến trẻ nhỏ chơi, nhóm cát làm tháp Phật,
đều được thành Phật đạo).
Đó
là những điều mà các thời giáo trước Phật chưa nói. Đến khi giảng Kinh
Pháp Hoa Đức Phật mới đề cập đến. Bởi lẽ những việc thiện dù rất nhỏ
cũng xuất phát từ Phật tánh, nếu như không có Phật tánh thì không thể có
các việc thiện, và đã là xuất phát từ Phật tánh thì dù làm một việc
thiện trong tán loạn tâm, nó cũng đưa đến quả thành Phật. Sau ngày thành
đạo, Đức Phật thuyết giáo lý căn bản, Ngài muốn đưa tất cả chúng sanh
đến giác ngộ như Phật, nhưng không thể đưa được, đó là trường hợp Ngài
nói Kinh Hoa Nghiêm mà theo Ngài Thiên Thái Trí Giả cho Kinh ấy là Kinh
Đức Phật giảng đầu tiên khi vừa thành đạo tại cội Bồ Đề, không mấy ai
hiểu nổi. Và đó cũng là diễn tả ý nghĩa lời nói của Đức Phật khi vừa
thành đạo tại cội Bồ Đề mà trong kinh Đại Niết Bàn thuộc Trường Bộ Kinh
và Kinh Thỉnh Cầu thuộc Tương Ứng Bộ Kinh đều có ghi lại: "Pháp này do
ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao
thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới hiểu thấu, còn quần
chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy
được tất cả hành là tịch tịnh, tất cả danh y được từ bỏ, ái được đoạn
tận, ly dục, ái dục Niết bàn". Nên Đức Phật phải tùy theo căn cơ mà
phương tiện thuyết ra Ba Thừa Giáo. Trong Ba Thừa Giáo này, mỗi thừa đều
có nhân riêng, quả riêng, hạnh riêng. Thanh Văn thừa tu theo Thanh văn
Thừa, Duyên Giác thì tu theo Duyên Giác Thừa, Bồ Tát thì tu theo Bồ Tát
Thừa. Nhân của Thừa nào thì chứng quả của Thừa ấy, mỗi thừa riêng biệt
pháp tu, riêng biệt quả chứng, không tương quan với nhau. Tiểu Thừa là
Tiểu Thừa, Đại Thừa là Đại Thừa, không lẫn lộn được. Ngay như trong Kinh
Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm cũng có nói đến việc thọ ký cho người sẽ thành
Phật, song chỉ thọ ký cho hàng Bồ Tát, còn hàng Thanh Văn, Duyên Giác
thì tuyệt nhiên vô phần. Nhưng đến thời kỳ Kinh Pháp Hoa lại khác. Trong
đây xác minh rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, như vậy tất cả
chúng sanh đều trở thành Phật, dù cho họ tu theo Thanh Văn Thừa hay
Duyên Giác Thừa. Vì Nhị Thừa giáo tuy là phương tiện, nhưng phương tiện
không có nghĩa là vô giá trị, mà giá trị của nó là những chặng đường đưa
đến cứu cánh giác ngộ. Ở đây đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm Đức Phật
ra đời chỉ thuyết có một Phật thừa mà thôi, và chỉ có một Phật thừa đó
mới đích thực, còn nói Tiểu Thừa, Đại Thừa đều chỉ là phương tiện nói
ra. Nói ra theo căn cơ thấp cao của Phật thật có Tiểu có Đại. Danh từ
Tiểu thừa, Đại Thừa ở trong Kinh Pháp Hoa bị coi nhẹ, không còn mang ý
nghĩa đích thật, cố định như ở các Kinh Luận Đại Thừa khác.
Kinh
Pháp Hoa có cái nhìn đặc biệt về Phật thân và Giáo pháp. Về Phật thân,
Pháp Hoa nói đến cả Phật sanh thân và Phật pháp thân. Phật sanh thân là
Đức Phật lịch sử có giới hạn trong không gian và thời gian, như Đức
Thích Ca ra đời tại Ấn Độ. Còn Phật pháp thân là tánh pháp thân bất sanh
bất diệt, châu biến pháp giới. Không có Phật pháp thân thì không có
Phật sanh thân và nếu không có Phật sanh thân thì không bằng vào đâu
hiển lộ Phật pháp thân. Phật pháp thân ví dụ như mặt trăng trên trời,
còn Phật sanh thân ví dụ như ánh trăng dưới nước. Ánh trăng dưới nước
nhờ trăng trên trời mà có, trăng trên trời nhờ ánh trăng dưới nước mà
biểu lộ sự ứng dụng. Ánh trăng dưới nước tùy theo duyên của nước mà khi
có khi không, còn mặt trăng trên trời thì không phải chịu sự có không
theo nước. Đó là điểm đặc biệt khác với các kinh khác hoặc chỉ nói đến
sanh thân, mà không nói đến pháp thân, hoặc chỉ nói đến pháp thân mà
không nói đến sanh thân. Đức Phật Thích Ca đản sanh dưới cây Vô Ưu và
thị tịch tại Ta-la song thọ, đó là Đức Phật sanh thân, là cái bóng của
Đức Phật pháp thân vô lượng thọ. Bóng và hình khác nhau nhưng bóng và
hình không hề rời nhau. Hiểu như vậy mới là cái hiểu toàn diện về Đức
Phật. Đó là quan điểm về Phật thân trong Kinh Pháp Hoa. Còn quan điểm về
toàn bộ giáo pháp Phật thì Kinh Pháp Hoa cũng là Kinh đặc biệt nêu lên
cả quyền giáo và thật giáo. Quyền giáo là giáo pháp chưa rốt ráo. Quyền
giáo tuy chưa rốt ráo nhưng không thể thiếu được. Thiếu quyền giáo thì
không đưa ra được thật giáo, cho nên quyền giáo và thật giáo cũng đều là
giáo pháp Phật giảng dạy chúng sanh khai ngộ. Trong Kinh Pháp Hoa không
chấp quyền mà bỏ thật, cũng không chấp thật mà bỏ quyền.
Theo
Ngài Thiên Thái Trí Giả, một vị học Phật rất uyên bác, tổ sáng lập ra
Tông Thiên Thai với nhiều kiến giải mới lạ độc đáo về Phật pháp. Ngài đã
ví toàn bộ giáo pháp Phật như một mặt trời chiếu sáng. Mặt trời tuy
một, nhưng tùy thời điểm chiếu sáng khác nhau trên mỗi đối tượng khác
nhau mà có tác dụng và hình thái khác nhau. Cũng như vậy, Phật pháp tuy
một, nhưng tùy thời điểm Đức Phật thuyết giảng cho mỗi đối tượng khác
nhau, nên thành ra như có những giáo pháp khác nhau. Theo đó Ngài Thiên
Thái chia toàn bộ giáo pháp kinh điển Phật làm năm thời như sau:
Thời
Hoa Nghiêm: Cũng gọi là thời "Nhật xuất tiên chiếu cao sơn." Sau khi
thành đạo, Đức Phật thuyết Kinh Hoa Nghiêm đầu tiên cho hạng căn cơ bậc
thượng, như mặt trời khi mới mọc trước tiên chiếu trên đỉnh núi cao.
Thời
A Hàm: Cũng gọi là thời "Nhật thăng thứ chiếu hắc sơn." Tiếp thời Hoa
Nghiêm, Đức Phật thuyết các kinh A Hàm cho căn cơ bậc trung và hạ, như
mặt trời khi lên cao chiếu đến núi thấp.
Thời
phương đẳng: Cũng gọi là thời "Nhật thăng chuyển chiếu cao nguyên." Đây
là thời Đức Phật thuyết các kinh như Lăng Nghiêm, Lăng Già, Bảo Tích,
Tư Ích, v.v. Như mặt trời khi càng lên cao chiếu lại vùng cao nguyên.
Thời
Bát Nhã: Cũng gọi là thời "Nhật thăng phổ chiếu đại địa." Đây là thời
Đức Phật thuyết kinh Đại Bát Nhã, như mặt trời khi lên cao nữa, chiếu
khắp cả đại địa.
Thời
Pháp Hoa Niết Bàn: Cũng gọi là thời "Nhật một hoàn chiếu cao sơn." Đây
là thời Đức Phật thuyết các kinh Pháp Hoa, Niết Bàn. Như mặt trời khi
sắp lặn chiếu ánh sáng trở lại trên đỉnh núi cao, giống như lúc mới mọc.
Lối
chia toàn bộ kinh đỉển giáo pháp Phật theo năm thời trên đây, nếu căn
cứ về thời gian thì không hợp lý, vì theo sự khảo cứu lịch sử đến nay
không mấy người công nhận Đức Phật có thuyết kinh Hoa Nghiêm ngay khi
mới thành đạo. Nhưng nếu đứng về mặt tư tưởng thì đây quả là điều không
phải là vô căn cứ. Vì khi Đức Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm là thuyết về
đạo lý duyên khởi, một đạo lý cao siêu, sâu kín mới lạ, chúng sanh ngơ
ngác không ai hiểu thấu. Phải chăng điều này tương ứng chặt chẽ với lời
Đức Phật nói khi mới thành đạo: "Pháp này do ta chứng được, thật là sâu
kín khó thấy, v.v. ", như đã dẫn ở đoạn trước. Rồi từ đó Đức Phật mới
phương tiện giảng lý Tứ Đế cho năm vị Tỳ kheo, tức là Ngài dạy giáo lý
chủ yếu ghi trong các bộ A Hàm và Nikàya.
Giáo
lý trong thời A Hàm chỉ chú trọng phá trừ ngã chấp, diệt tham ái, chứng
Niết bàn, chứ chưa đề cập đến giáo lý phá trừ pháp chấp. Phải đợi đến
thời nói kinh Bát Nhã mới chú trọng phá trừ luôn cả pháp chấp. Theo tinh
thần Bát Nhã thì tất cả pháp vô luận hữu tình hay vô tình đều là không
có thật tính, nghĩa là đều không có cá tính độc lập, đều là vô sở đắc.
Nhưng vô sở đắc không có nghĩa là hư vô. Mà vì vô sở đắc mới là đắc, tức
là đắc thành trí Đại Viên Cảnh, thành Phật. Tư tưởng này là tư tưởng
trong kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, cho nên thời Pháp Hoa, Niết bàn đặt để ở
thời thứ năm sau hết là vì lý do ấy.
Đại
Sư Cát Tạng, người sáng lập Tông Tam Luận, chia toàn bộ giáo pháp Phật
làm ba pháp luận là: 1. Căn bản pháp luận, chỉ cho thời nói kinh Hoa
Nghiêm. 2. Chi mạt pháp luận, chỉ cho thời nói kinh A Hàm, Phương Đẳng,
Bát Nhã và 3. Nhiếp mạt qui bản pháp luận, chỉ cho thời nói kinh Pháp
Hoa Niết Bàn. Như vậy kinh Pháp Hoa cũng đặt ở vị trí cuối cùng cao tột
hơn hết. Nhiếp mạt qui bản có nghĩa là gom tất cả giáo pháp phương tiện
đưa về cứu cánh, gom ngọn trở về gốc. chữ Chuyển pháp luân theo chữ Pali
là Dhamma Cakka Pavatana
Chuyển - Pavatana: Chuyển động, xây dựng, củng cố.
Pháp - Dhamma: Trí tuệ, chân lý, đạo
Luân - Cakka: Bánh xe, vương quốc.
Do những định nghĩa trên mà có người dịch là củng cố vương quốc trí tuệ, xây dựng vương quốc chân lý, chuyển bánh xe pháp.
Chữ
Luân là bánh xe, có khả năng lăn chuyển, lăn chuyển từ tâm người này
đến tâm người khác, giáo pháp từ tâm chứng ngộ của Phật chuyển đến tâm
mê lầm của chúng sanh. Cũng như bánh xe lăn từ chỗ này đến chỗ khác.
Chữ
Luân còn có nghĩa là dằn dẹp, lăn đến đâu dằn dẹp đến đó, Giáo pháp
Phật lăn đến tâm chúng sanh thì dằn dẹp hết mọi phiền não tà kiến, vô
minh.
Lại
Chuyển Luân Vương có xa-luân-bảo là biểu hiệu chính của vương quyền,
nhờ nó mà đi đến với muôn dân, đem lại sự bình an thịnh vượng cho họ.
Cũng như vậy Như Lai Pháp Vương thì có pháp luân để đi đến với chúng
sanh, đem lại sự an vui giải thoát cho họ.
Kinh
Pháp Hoa đã được dịch từ Phạn văn ra Hoa văn rất sớm. Năm 256 TL, tại
Trung Hoa, Ngài Trúc Pháp Hộ dịch tên là Chánh Pháp Hoa. Năm 404, Ngài
Cưu Ma La Thập dịch tên là Diệu Pháp Liên Hoa. Đời Tùy Trung Hoa, Trí
Khải Đại Sư (531-597) đã căn cứ kinh Pháp Hoa mà lập Tông Thiên Thai.
Năm 593-622, ở Nhật, Thánh Đức Thái Tử (Shotaku Taishi) đã chú giải kinh
Pháp Hoa cùng lúc với kinh Thắng Man, Duy Ma Cật, và dựa vào đó soạn
thảo và công bố bản Hiến Pháp 17 điều đầu tiên của Nhật. Năm 1222 có Sư
Nhật Liên cũng dựa vào kinh Pháp Hoa mà lập nên Nhật Liên Tông, làm một
cuộc cách mạng lớn đối với các tông phái Phật giáo truyền bá tư tưởng ở
Nhật Như Tịnh Độ Tông, Luật Tông, Thiền Tông.
Cho
đến nay Nhật Liên Tông vẫn thịnh hành, là một tông phái Phật giáo đi
vào xã hội quần chúng một cách rộng rải. Họ thường xuyên niệm câu: Đại
Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh để cầu nguyện hòa bình. Cả Ngài Cát Tạng,
Tông chủ của Tam Luận Tông cũng tôn kính Pháp Hoa là kinh ở thời thuyết
giáo "Khiếp mạt qui bàn pháp luân." Tại Việt Nam trong các thế kỶ Phật
giáo hưng thịnh, kinh Pháp Hoa cũng được hành trì rộng rãi. Năm 1879,
Thiền Sư Thanh Đàm hiệu Minh Chính sáng tác sách Pháp Hoa Đề Cương rất
có giá trị cả mặt tư tưởng lẫn văn học. Chẳng hạn diễn tả chữ "Pháp"
trong câu Diệu Pháp Liên Hoa như sau: "Trần sa số lượng pháp tuy đa, Bất
quá căn trần thức giả ma, Hư ảnh huyên duyên đồ khỏi diệt, Chơn tri
chánh kiến trạm viên đà. Có trung Phát giác tầm sư đạo, Đạo thượng triền
nguyên nhập Phật gia. Nhược dục tốc đăng chơn bảo sở, Mục tiền tấn lộ
mạt ta đà." (Nguyễn Lang dịch: Vạn pháp tuy nhiều không đếm xiết, Chung
qui cũng chỉ thức căn trần. Huyển duyên hư ảnh dù không thực, Chơn tri
chánh kiến vẫn bao dung. Gặp thầy chỉ dạy đường mê ngộ, Thấy Phật tìm ra
lẽ sắc không, Nếu muốn lên mau bờ bến giác, Con đường trước mắt chớ lần
khân).
Nếu
muốn tìm hiểu nguồn gốc của hành động tự thiêu mà thỉnh thoảng các vị
sư Phật giáo thường là để xả bỏ huyển thân, cầu lên giải thoát, hoặc để
thức tỉnh lương tri nguời đời như Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu giữa năm
1963, thì sẽ thấy nó bắt nguồn xa xôi từ kinh Pháp Hoa này.
Tóm
lại, sở dĩ kinh Pháp Hoa có một vị trí và ảnh hưởng lớn lao như vậy, là
vì kinh Pháp Hoa theo như nhận định của nhà Phật học Nhật Bản Kimura
Taiken là kinh Phát huy toàn bộ đặc sắc về Bồ Tát đạo, coi hết thảy
chúng sanh đều là Bồ Tát, đều có khả năng tính thành Phật trong tương
lai. Bởi thế, bất luận là người nào (khác với nhiều kinh khác chỉ thừa
nhận một số người được thành Phật chứ không phải tất cả đều nên lấy việc
phát tâm tu hành nguyện Bồ Tát làm lý tuởng cứu cánh. Và theo nguyện
lực "chúng sanh vô biên thệ nguyện độ", nên lấy việc cùng với chúng sanh
xây dựng một nước cực lạc ngay trên thế gian này làm lý tưởng.
Đó là một nhận định đúng đắn và sâu sắc, được gợi ý từ những đoạn kinh Pháp Hoa nói về mục đích ra đời của Đức Phật là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật, nói về Phật thọ ký cho tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật, nói về một việc thiện nhỏ của bất cứ ai cũng đều là cái nhân tốt đưa đến thành Phật, nói về viên ngọc trong chéo áo, nói về Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát vì muốn thức tỉnh lòng người trở về với tính giác ngộ của chính mình, nên hễ gặp bất cứ ai Ngài đều cung kính chấp tay nói: "Tôi không dám khinh Ngài, vì Ngài sẽ thành Phật", và nói về Quan Thế Âm Bồ Tát trải rộng hạnh nguyện từ bi đến với mọi chúng sanh đang kêu cầu đến sự cứu khổ mà tùy theo căn cơ hiện thân hóa độ , v.v. Tóm lại toàn là nói về hạnh Bồ Tát độ khắp quần sanh không phân biệt thời gian ranh giới vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét