Thứ tư, ngày 9 tháng 5 năm 2012, 00:16
Viết bởi Tuệ Dũng |
1. Hiếu dưỡng cha mẹ
Đức Phật dạy chúng ta lấy hiếu làm gốc. Hiếu dưỡng cha mẹ là pháp môn căn bản rất lớn của đạo Phật, cũng là điều kiện quan trọng cơ bản làm người. Chúng ta nghĩ thử ngay cả loài chim muông còn biết báo ân nuôi mớm. Nếu như chúng ta không hiếu dưỡng cha mẹ thì chẳng phải không bằng loài cầm thú hay sao? Cha mẹ là ruộng phước lớn nhất đời này của chúng ta. Công đức hiếu dưỡng cha mẹ và công đức cúng dường Đức Phật như nhau, không hiếu dưỡng cha mẹ thì bị coi là sai lầm lớn nhất của đời người. Người bất hiếu một chút tư cách cũng không có nói gì đến học Phật. Ngoài ra, chúng ta còn khuyên cha mẹ có Tín, Nguyện, niệm Phật, cầu sinh về Tây phương mãi mãi thoát khỏi nỗi khổ sinh tử luân hồi, mới là hiếu đạo cứu cánh viên mãn.
2. Làm tròn bổn phận
Làm người ở thế gian, ai
cũng có bổn phận và trách nhiệm của mình. Người học Phật trên cương vị
công việc của mình phải nỗ lực tinh tấn làm gương mẫu cho gia đình, xã
hội và quốc gia. Hiếu thuận với cha mẹ, giáo dục con cái, yêu thương gia
đình, làm lợi ích cho xã hội, báo đáp tổ quốc mới đúng là người học
Phật. Tự mình trốn tránh trách nhiệm, không làm tròn bổn phận, học Phật
mà nói khoác lác đều là dối mình lừa người thì không thể thành tựu được.
3. Tin sâu nhân quả
Cốt lõi của toàn bộ Phật
pháp, chính là hai chữ “nhân quả”. Chúng ta trồng nhân thiện được quả
thiện, trồng nhân ác nhất định chịu quả ác, báo ứng nhân quả không sai
tí nào, không phải là không có báo ứng mà chỉ vì thời gian chưa đến.
Người học Phật phải tin sâu nhân quả, lấy giới làm thầy, mỗi ngày tự
kiểm điểm, luôn luôn sửa đổi. Ngoài ra, người niệm Phật tin sâu trồng
nhân thiện niệm Phật, chắc chắn được quả thiện thành Phật. Đây là nhân
quả rất thâm diệu.
4. Không sát sinh, ăn chay
Người học Phật không làm
các việc ác, nỗ lực đoạn trừ tất cả hành vi tội ác. Trong tất cả tội ác,
tội ác nặng nhất là sát sinh, ăn thịt. Bởi vì, mạng của chúng sinh rất
quý báu, không nên vì thân mạng mình mà giết, ăn thịt nó thì nó vô cùng
căm hận, kết oán thù sâu nặng, đời sau nó sẽ giết lại chúng ta báo thù
đòi nợ, máu trả nợ máu, quả ác rất là thảm khốc. Vì thế, chúng ta không
làm các việc ác, không sát sinh, ăn chay là việc cần gấp.
5. Phóng sinh cứu mạng
Người học Phật phải làm
các điều thiện, bất cứ việc thiện nào, chỉ cần có cơ hội thì ra sức làm.
Trong tất cả việc thiện, phóng sinh là đứng đầu. Bởi vì, phóng sinh là
hành vi cứu mạng cấp bách, công đức rất lớn, chẳng phải việc thiện nhỏ
có thể so sánh được. Thân mạng chúng sinh rất quý, chúng ta thả nó, cứu
nó thì nó vô cùng cảm kích, kết thiện duyên tốt với nó thì đời sau chúng
ta được quả báo thiện, phước đức không thể nghĩ bàn. Cho nên, trong các
điều thiện lấy phóng sinh cứu mạng làm đầu.
6. Chí tâm thành kính
Chí tâm thành kính là nền
tảng thành tựu bất cứ sự nghiệp nào trong thiên hạ. Đại sư Ấn Quang chỉ
dạy chúng ta phải dốc hết tâm lực, lấy hai chữ thành kính làm điểm quan
trọng. Chúng ta có một phần thành kính thì có một phần công đức, có
mười phần thành kính thì có mười phần công đức. Đây là bí quyết tuyệt
vời học Phật thành công, mọi người tuyệt đối phải ghi nhớ kỹ trong lòng.
7. Phát tâm Bồ đề
Công đức nhiều hay ít của
người học Phật theo tỉ lệ thuận với tâm lượng của mình, tâm lượng rộng
lớn thì công đức được nhiều. Vì thế, người học Phật phải có tâm lượng
rộng lớn, làm bất kỳ việc gì tuyệt đối không nên vì tự tư tự lợi, nhất
định phải phát xuất từ tâm chân thành, chân thật vì lợi ích cho tất cả
chúng sinh. Chúng ta trên cầu Phật đạo, phát tâm thành Phật; sau đó, có
năng lực độ khắp chúng sinh. Chúng ta dưới thì hóa độ chúng sinh bằng
cách phát tâm hễ gặp cơ duyên thì nhất định phải đem điều tinh yếu của
Phật pháp truyền bá cho đại chúng. Ngoài ra, tâm phải chí thành niệm
Phật cầu sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc; đó là chân chính phát tâm
Bồ đề.
8. Lạy Phật sám hối
Chúng ta từ vô thủy kiếp
đến nay tạo nhiều tội nghiệp, nếu có hình tướng thì khắp hư không cũng
chẳng dung chứa hết; bởi vì, chúng ta là phàm phu xấu ác nghiệp chướng
sâu nặng. Do đó, người học Phật phải phát tâm hổ thẹn và chí thành sám
hối, siêng năng lạy Phật. Bởi vì lạy Phật một lạy chí thành thì tội diệt
như số cát sông Hằng, lạy Phật sám hối là bày tỏ tâm chí thành cung
kính của chúng ta. Phương pháp tốt nhất là hổ thẹn tự xét lỗi mình.
9. Tín, Nguyện và niệm Phật
Pháp môn Tịnh độ là nương
tựa Phật lực cứu giúp. Tín là tin thế giới Tây phương Cực Lạc có Phật A
Di Đà. Nguyện là mong muốn mình mau sinh về thế giới Cực Lạc kia, chán
lìa thế giới Ta bà này. Hạnh là phải chí thành niệm, giữ một câu thánh
hiệu Nam mô A Di Đà Phật. Chỉ cần đầy đủ ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh
thì sẽ nương theo đại thệ nguyện lực của Phật A Di Đà cứu giúp, ra khỏi
sinh tử, vĩnh viễn đoạn trừ luân hồi. Đây là pháp môn vô cùng thâm diệu
và tiện lợi nhất trong tất cả pháp môn mà Đức Phật đã dạy.
Nói theo lý, một câu A Di
Đà Phật là nhờ Phật lực cứu vớt, chắc chắn bảo đảm vãng sanh về Tây
phương. Nhưng vì sao ngày nay người niệm Phật nhiều mà người được vãng
sanh lại ít? Đây là vấn đề rất quan trọng và nghiêm túc, ngày nay người
niệm Phật nhưng không được vãng sanh quan trọng là do “thiếu Tín, Nguyện lại sợ chết, căn bản là không muốn vãng sanh”.
Ngày nay, người niệm Phật chỉ cầu sống lâu, cầu mạnh khỏe bình an, cầu
giàu sang, công việc thuận lợi, cầu tất cả lợi ích ở thế gian; nhưng
không cầu vãng sanh về Tây phương.
Một chữ Chết thì có thể
kiểm nghiệm người niệm Phật có đầy đủ Tín, Nguyện hay không? Hãy tự hỏi
lòng mình, chúng ta có sợ chết không? Nếu như chết ngay lập tức thì Phật
A Di Đà liền đón chúng ta vãng sanh về Tây phương, chúng ta có bằng
lòng không? Một người niệm Phật thật sự là người chán lìa cõi Ta bà này,
thích cầu về cõi Cực Lạc thì nhất định cho sự chết là như trở về. Bất
cứ lúc nào, họ cũng mong sớm theo Phật A Di Đà về thế giới Tây phương
Cực Lạc thì tuyệt đối không sợ chết, luôn mong muốn vãng sanh liền. Còn
người niệm Phật giả tạo trong ngoài khác nhau, Tín, Nguyện không thật là
người tham sống sợ chết, không muốn chết, không muốn vãng sanh, cầu
sống lâu, có rất nhiều lý do ràng buộc. Chúng ta nên biết tâm người nào
sợ chết, không muốn chết, không muốn cầu vãng sanh thì trái với tâm Phật
A Di Đà, không đủ ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh thì làm sao họ thành
tựu vãng sanh về Tây phương được?
Ngày nay, một nghìn người
niệm Phật thì có chín trăm chín mươi chín người niệm Phật giả. Nếu
người niệm Phật thật sự thì một chữ Chết thường ở trong tâm, tự mình
luôn kiểm nghiệm, chỉ cần người niệm Phật không sợ chết, thích chết, bất
cứ lúc nào cũng đón cái chết, luôn mong cầu sớm được vãng sanh về Cực
Lạc; đây là người niệm Phật thật sự “chán lìa Ta bà, thích cầu Cực Lạc”.
Như thế, một nghìn người niệm Phật, nghìn người vãng sanh; vạn người
niệm Phật vạn người vãng sanh, không một người nào mà không sinh về Tây
phương.
10. Nỗ lực thực hành
Phật pháp quan trọng nhất
là thực hành. Có bà cụ một chữ cũng không biết, hoàn toàn không hiểu
kinh dạy, chỉ biết ăn chay, lạy Phật, chí thành niệm một câu Nam mô A Di
Đà Phật mà được vãng sanh. Bà học Phật thành tựu vãng sanh, hơn hẳn
những nhà thông thái biện tài vô ngại, tinh thông tam tạng, quan trọng
là có nỗ lực thực hành hay không. Người có tài năng, hiểu biết mà không
thực hành, giống như điểm binh trên giấy, nói tên món ăn, đếm của báu
cho người, đều là vô ích.
Nói tóm lại, chúng ta học
Phật chỉ cầu chuyên nhất, sợ nhất là xen tạp; chỉ cần nắm chắc những
điểm quan trọng rồi nỗ lực thực hành thì nhất định đạt được lợi ích chân
thật của Phật pháp.
Trích: Cửa Vào Tịnh Tông của HT. Tịnh Không
Việt dịch: TN. Viên Thăng (Tu Viện Huệ Quang) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét